Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Coi chừng trẻ bị chốc lở trong mùa hè

Chốc lở là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây, hay gặp ở trẻ em. Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, nhất là quanh mũi và miệng của trẻ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vết thương hay côn trùng đốt hoặc xảy ra trên da bình thường. Mùa hè ra nhiều mồ hôi nên nguy cơ chốc lở càng tăng.

Da bị trầy xước dễ mắc bệnh

Có nhiều loại vi khuẩn ký sinh trên da, trong đó 2 loại vi khuẩn là tụ cầu và liên cầu hay gặp gây bệnh. Chúng xâm nhập cơ thể qua một vết thương, vết cắn của côn trùng gây nhiễm khuẩn. Trẻ em thường bị bệnh chốc lở do nhiễm khuẩn qua vết rách da, do cạo, cắt hoặc côn trùng đốt. Ở người lớn, chốc lở cũng thường xảy ra sau tổn thương da hoặc viêm da. Nếu nhiễm tụ cầu khuẩn, chúng có khả năng sản xuất một loại độc tố làm cho chốc lở lan rộng.

Luôn luôn giữ cho da sạch sẽ bằng cách tắm rửa hàng ngày với nước sạch

Tuy mọi người đều có thể bị chốc lở, nhưng trẻ em từ 2 - 6 tuổi và trẻ sơ sinh thường bị chốc lở nhiều nhất. Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hoặc chăm sóc bệnh nhân, tiếp xúc với các đồ dùng của bệnh nhân như giường, chiếu, chăn màn, quần áo rất dễ bị nhiễm bệnh. Ở những nơi tập trung đông người như chợ, lớp học, siêu thị, nhà trẻ... dễ lây lan bệnh. Thời tiết nóng ẩm mùa hè, những bệnh nhân bị viêm da mạn tính, viêm da dị ứng, bệnh nhân đái tháo đường... là đối tượng dễ mắc bệnh.

Chốc lở có nhiều thể bệnh

Trong bối cảnh mùa hè nắng nóng, một bệnh nhân chốc lở thường có các triệu chứng sau: có vết loét đỏ trên da, nhanh chóng vỡ, sau đó hình thành một lớp vỏ màu vàng nâu. Bệnh nhân rất ngứa. Vết chốc thường không đau, có dịch tiết lỏng chứa đầy mụn nước. Những ca bệnh nặng, bệnh nhân bị đau đớn, chất lỏng hoặc vết loét đầy mủ tiến triển dần thành vết loét sâu. Cần phân biệt mấy dạng chốc lở sau đây:

Chốc lở truyền nhiễm là thể bệnh hay gặp nhất, có các triệu chứng: đầu tiên là một số nốt mụn đỏ trên mặt, thường quanh mũi và miệng. Các nốt mụn nhanh chóng vỡ ra, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu. Cuối cùng vảy sẽ bong ra, để lại một vết đỏ nhưng không gây sẹo. Các mụn có thể ngứa nhưng không đau. Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc. Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị dây dịch của vết chốc.

Chốc lở dạng phỏng, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, triệu chứng là: những nốt phỏng nước chứa đầy dịch và không đau, thường thấy ở thân mình, cánh tay và cẳng chân. Da xung quanh nốt phỏng đỏ và ngứa nhưng không loét. Các nốt phỏng sẽ vỡ và đóng vảy màu vàng, thường lâu liền hơn các dạng chốc lở khác.

Thể mụn mủ, là thể nặng nhất, trong đó nhiễm khuẩn ăn sâu vào lớp bì, với các triệu chứng: các nốt mụn đau chứa đầy dịch hoặc mủ biến thành vết loét sâu, thường ở cẳng chân và bàn chân. Trên vết mụn có vảy dày, cứng màu vàng xám. Sưng hạch ở xung quanh vết chốc.

Biến chứng của chốc lở

Viêm cầu thận có thể phát triển sau khi bị chốc lở do liên cầu khuẩn. Viêm cầu thận xảy ra sau khi phát chốc lở khoảng 2 tuần. Triệu chứng gồm: phù mặt, nhất là phù mi mắt, đi tiểu ít, có máu trong nước tiểu, tăng huyết áp, cứng khớp và đau khớp. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6 - 10 tuổi. Ở người lớn, các triệu chứng thường nặng hơn.

Đeo găng tay chăm sóc bệnh nhân tránh lây bệnh.

Biến chứng viêm mô tế bào: bệnh viêm đến các mô bên dưới da và lan đến hạch bạch huyết và vào máu. Nếu không được điều trị, viêm mô tế bào có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh còn gây biến chứng sẹo, nám da.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh chốc lở nếu nặng và không được điều trị kịp thời có thể xảy ra biến chứng nặng gây tử vong. Vì vậy, việc phòng bệnh rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả gồm: luôn luôn giữ cho da sạch sẽ bằng cách tắm rửa hàng ngày với nước sạch. Điều trị tích cực vết thương, vết xước, vết côn trùng cắn trên da bằng cách rửa sạch vết thương, dùng thuốc sát khuẩn, mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Bệnh nhân chốc lở cần được cách ly ở phòng riêng, dùng riêng các đồ dùng sinh hoạt như chăn màn, khăn tắm, chậu rửa mặt... để tránh lây lan cho người khác. Phải giặt quần áo, đồ vải và khăn của bệnh nhân riêng và khử khuẩn bằng cách luộc sôi từ 5 - 10 phút. Người chăm sóc bệnh nhân cần đeo găng tay khi tiếp xúc, thay băng... Trẻ bị bệnh cần được cắt móng tay ngắn để tránh trầy xước da khi trẻ gãi. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch với xà phòng sát khuẩn.

BS. Phạm Quốc Tuấn



Nhỏ mắt cho trẻ thế nào cho đúng?

Con tôi 5 tuổi, cháu mới bị lây đau mắt đỏ từ bạn cùng lớp mẫu giáo. Tôi đã đưa cháu đi khám và nhỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng mỗi lần nhỏ thuốc cho cháu rất khó khăn, cứ nhỏ thuốc vào là cháu lại khóc và thuốc trôi ngay ra ngoài, mắt vẫn không đỡ. Xin bác sĩ tư vấn giúp.

Đặng Vân Khánh (Quảng Trị)

Giao mùa là thời điểm rất dễ khiến trẻ em bị viêm kết mạc. Nếu điều trị không đúng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm viêm giác mạc, loét giác mạc.

Với trẻ nhỏ cần động viên, khuyến khích trẻ phối hợp trong nhỏ thuốc để trẻ bớt sợ. Khi nhỏ mắt, cần giữ yên trẻ trong tư thế ngả đầu trẻ ra đằng sau, hoặc tốt nhất là cho trẻ nằm ngửa và ngước mắt lên. Các bước nhỏ mắt theo trình tự sau: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước và sau khi nhỏ mắt cho trẻ; Lau sạch mắt trẻ nhẹ nhàng bằng bông tẩm nước ấm; Kéo mi dưới của mắt xuống. Nhỏ thuốc vào giữa kết mạc, tại khe giữa mi dưới và mắt, lưu ý không để lọ thuốc chạm vào mắt trẻ; Để trẻ chớp mắt cho thuốc hòa vào các phần trong mắt. Sau đó dùng bông sạch thấm phần thuốc chảy ra ngoài theo hướng từ trong mắt ra ngoài khóe mắt. Nếu nhỏ cả hai mắt thì phải sử dụng miếng bông khác cho mắt còn lại. Thu hút sự chú ý của trẻ để trẻ không dụi mắt khi thuốc đang ngấm.

Thực hiện nhỏ mắt với số giọt thuốc và số lần nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ cho đến khi mắt hết đỏ, không còn gỉ mắt, không dính mi và lành hoàn toàn.

Bác sĩ Kim Thanh

Những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe xương

Thiếu canxi

nhung-yeu-to-anh-huong-toi-suc-khoe-xuong

Chúng ta đều biết rằng protein là thực phẩm tốt cho cơ bắp. Tương tự, xương cần canxi để tăng mật độ xương. Khi bạn không nhận đủ canxi, xương sẽ “bị đói” theo nghĩa đen. Vì vậy, chế độ ăn cần cung cấp đủ hàm lượng canxi.

Giới tính và tuổi

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới. Theo độ tuổi, bạn có xu hướng bị giảm mật độ xương. Đó là một sự thay đổi tự nhiên không tránh khỏi. Vì vậy, khi bạn già đi, bạn cần tăng cường hấp thu canxi.

Ít vận động

Khi ít vận động thể chất, dần dần bạn có thể bị mất mật độ xương. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động thể chất có thể ngăn ngừa loãng xương

Hút thuốc và uống rượu

Nhiều nghiên cứu cho thấy những thói quen như hút thuốc và uống rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực lên mật độ xương. Vì rượu cản trở sự hấp thu canxi, từ đó có thể ảnh hưởng tới mật độ xương.

Di truyền

Nếu bị ảnh hưởng di truyền bất cứ rối loạn về xương nào thì bạn cần chú ý để làm giảm nguy cơ

Thuốc

Một số thuốc bao gồm corticoid có thể làm tăng tối đa nguy cơ bị các vấn đề liên quan đến xương như loãng xương.

Tai nạn

Trong một số trường hợp, thậm chí các tai nạn có thể gây mất xương. Tất nhiên, chỉ bác sĩ có thể biết phải làm gì trong trường hợp này.

BS Cẩm Tú

(theo Boldsky)

Giúp bạn chọn vắc

Tiếp theo số 115

Dưới đây là danh sách và thời điểm tiêm các loại vắc-xin:

Tháng thứ nhất:

1. BCG: Vắc-xin phòng bệnh lao:

Dùng cho các bé chưa được tiêm phòng lao tốt nhất trong tháng đầu tiên của cuộc đời, càng sớm càng tốt sau khi sinh với liều tiêm 0,1ml trong da.

Vắc-xin không sử dụng cho người quá mẫn với vắc-xin, người có suy giảm miễn dịch vì bất cứ nguyên nhân nào. Lưu ý: không tiêm nhắc nếu không thấy sẹo lao do lo ngại các phản ứng bất lợi sau tiêm ở những lứa tuổi lớn hơn.

Tháng thứ 2-3-4:

2. Vắc-xin phối hợp nhiều thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan b và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib hiện gồm 3 loại trong đó Quinvaxem là vắc-xin TCMR và 2 vắc-xin dịch vụ là Pentaxim (5 trong 1) và Infarix Hexa (6 trong 1). Cả ba vắc-xin đều tiêm cho trẻ 3 mũi cơ bản trong thời gian 2-3-4 tháng tuổi, liều nhắc lại tiêm lúc 16-18 tháng nhưng Quinvaxem được nhắc với DPT ở 18 tháng còn hai vắc-xin còn lại được sử dụng luôn để tiêm nhắc.

Cần tiêm vắc-xin cho trẻ đúng định kỳ. Ảnh: TM

Về cơ bản, các vắc-xin đều chống chỉ định với trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc-xin viêm gan B. Ngoài ba vắc-xin nêu trên, vắc-xin có thành phần ho gà, bạch hầu, uốn ván còn có các sản phẩm như:

DPT: Uốn ván, bạch hầu và ho gà hiện sử dụng trong TCMR và tiêm ở 18 tháng bổ sung cho 3 liều cơ bản Quivaxem.

Tetraxim: Bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt, sử dụng trong TCDV cho các trường hợp không tiêm được Pentaxim và Infarix hexa đúng lịch. Vắc-xin này gồm 4 thành phần và có thể tiêm đến 7 tuổi.

Adacel: Uốn ván, bạch hầu và ho gà sử dụng cho người lớn với thành phần tương tự DPT. Vắc-xin này được sử dụng chủ yếu với mục đích gây miễn dịch cho các bà mẹ có thai để miễn dịch đó bảo vệ cho trẻ mới sinh ra.

3. Vắc-xin phòng phế cầu xâm nhập (Sylflorix): Phòng ngừa các bệnh lý phế cầu xâm nhập (bao gồm hội chứng nhiễm trùng, viêm màng não, viêm phổi vi khuẩn và nhiễm khuẩn huyết) và viêm tai giữa cấp tính. Tạo miễn dịch chủ động cho trẻ em và trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi ngừa các bệnh gây ra bởi pPhế cầu. Synflorix™ không được tiêm cho các đối tượng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin. Liều tiêm bắp 0,5ml.

Đối với trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi: sử dụng liệu trình 3 liều cơ bản: 2-3-4 tháng tuổi. Liều đầu tiên có thể được tiêm sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi. Liệu trình cụ thể cần có sự tư vấn của bác sĩ tiêm chủng.

4. Vắc-xin Meningococcal BC: được chỉ định nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm huyết thanh thanh B và C. Vắc-xin được tiêm cho trẻ từ tháng tuổi thứ ba và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải di đến vùng dịch.

Cũng nên tiêm vắc-xin cho những người sống trong một cộng đồng như các trung tâm chăm sóc trẻ em trường nội chú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc cộng đồng có báo cáo về các trường hợp nhiễm não mô cầu nhóm huyết thanh B và C.

Lịch tiêm cơ bản gồm hai liều 0,5ml, khoảng cách giữa các lần tiêm là 6 - 8 tuần. Liều tiêm thứ hai là bắt buộc để đạt được mức bảo vệ. Lịch tiêm đuợc áp dụng với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đến 45 tuổi.Theo kinh nghiệm sử dụng vắc-xin, không cần thiết phải tiêm nhắc lại.

Tháng thứ 6

5. Vắc-xin Cúm (Influvac, Inflexal V, Fluarix)

Dự phòng bệnh cúm, đặc biệt là ở những người có nguy cơ bị các biến chứng kèm theo cao.

Chống chỉ định với các trường hợp quá mẫn với các hoạt chất, với bất kỳ tá dược nào, trứng gà, protein gà, formaldehyde, cetyltrimethylammonium bromide, polysorbate 80 hoặc gentamicin.

Với trẻ từ 7-11 tháng tuổi: Liệu trình tiêm chủng vắc-xin Sylflorix (đã nêu ở trên) bao gồm 2 liều tiêm 0,5ml với khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 1 tháng. Liều thứ ba được chỉ định vào năm tuổi thứ hai với khoảng cách ít nhất là 2 tháng. Với trẻ từ 12-23 tháng tuổi: Liệu trình tiêm chủng bao gồm 2 liều tiêm 0,5ml với khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 2 tháng. Chưa cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại sau liệu trình tiêm chủng này.

Tháng thứ 9

6. Vắc-xin phòng sởi, Rubella

Hiện TCMR sử dụng vắc-xin sởi đơn cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người chưa có kháng thể sởi. Vắc-xin phối hợp sởi - Rubella được sử dụng cho trẻ trên 1 tuổi, trong TCMR vắc-xin phối hợp này được tiêm ở 18 tháng. Vắc-xin phối hợp sởi - quai bị - Rubella hiện mới chỉ dùng trong tiêm chủng dịch vụ và tiêm tại 12 tháng, đồng thời nhắc lại nhằm đề phòng trường hợp không đáp ứng với mũi tiêm trước.

Do đây là các vắc-xin sống, cả ba loại vắc-xin kể trên đều chống chỉ định với các trường hợp bị nhiễm khuẩn cấp tính, mắc bệnh lao tiến triển chưa được điều trị hay suy giảm miễn dịch (trừ trẻ em bị HIV).

vacxinTư vấn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: Trần Minh

Tháng thứ 12

Vắc-xin sởi - Rubella và sởi - quai bị - Rubella (MMR, Priorix, Trimovac): ngoài đối tượng đủ 12 tháng tuổi, thường được chỉ định cho phụ nữ chuẩn bị mang thai nhằm tạo kháng thể tốt hơn truyền cho con.

Các chống chỉ định cho những vắc-xin này bao gồm: phụ nữ có thai, trường hợp bị nhiễm khuẩn cấp tính, mắc bệnh lao tiến triển chưa được điều trị hay suy giảm miễn dịch (trừ trẻ em bị HIV). Điều trị các thuốc ACTH, corticosteroid, xạ trị, các thuốc thuộc nhóm alkyl hoặc ức chế chuyển hóa, suy giảm miễn dịch nặng. Bệnh bạch cầu, các u bạch huyết lympho hoặc các bệnh ác tính khác ảnh hưởng đến chức năng tủy xương hoặc hạch bạch huyết.

7. Vắc-xin phòng thủy đậu: được chỉ định để tiêm phòng bệnh thủy đậu cho đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên và được chỉ định để dự phòng cho những người nhạy cảm bị phơi nhiễm bệnh thủy đậu trong vòng 3 ngày và có thể đến 5 ngày sau khi tiếp xúc.

Chống chỉ định với các đối tượng có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, kể cả gelatin.

Do Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành dịch, hiện chỉ khuyến cáo sử dụng liều đơn vắc-xin thủy đậu mà không cần liều nhắc lại.

Tháng thứ 18

Mũi nhắc lại của sởi - Rubella, DPT được thực hiện trong khoảng thời gian này. Cần hoàn thành trước 24 tháng tuổi để đảm bảo khả năng bảo vệ cho trẻ.

Tháng thứ 24

8. Vắc-xin phòng não mô cầu (Menningo AC)

Não mô cầu týp A và týp C dùng để phòng ngừa các bệnh do Neisseria meningitidis (não mô cầu) týp A và týp C gây ra ở người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên.

Không sử dụng với bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ một thành phần nào của vắc-xin, trước đây đã từng bị phản ứng nghiêm trọng trong khi tiêm vắc-xin này. Bị sốt cao hay bị nhiễm khuẩn cấp tính, nên hoãn việc tiêm ngừa lại. Không được tiêm bắp cho người bị rối loạn chảy máu như hemophili hoặc giảm tiểu cầu vì họ có thể bị chảy máu hay tụ máu tại chỗ tiêm.

Liều tiêm bắp hoặc tiêm dưới da với liều 0,5ml. Người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên: một liều (0,5ml) vắc-xin đã hoàn nguyên.

9. Vắc-xin phế cầu: Pneumo 23 phòng ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) và các nhiễm khuẩn nặng do phế cầu khuẩn. Pneumo 23 là một vắc-xin được chỉ định để phòng ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) và các nhiễm khuẩn nặng do phế cầu khuẩn (ví dụ như nhiễm khuẩn huyết hay viêm màng não) do các týp huyết thanh của phế cầu khuẩn có trong thành phần của vắc-xin.

Chống chỉ định với các bệnh nhân bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của Pneumo 23 hay trước đây đã từng bị phản ứng dị ứng sau khi tiêm Pneumo 23 hay vắc-xin có chứa thành phần tương tự, khi bị nhiễm khuẩn đang sốt cao.

Tiêm bắp với liều 0,5ml một liều duy nhất.

Các khoảng thời gian khác:

- Vắc-xin cúm cần nhắc lại hàng năm.

- Các vắc-xin khác cần nhắc lại tùy theo nhà sản xuất.

Trên đây là các vắc-xin phòng bệnh lây qua đường hô hấp hiện đang được triển khai tại Việt Nam. Việc lựa chọn vắc-xin nào cho con của bạn rất cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên ngành tiêm chủng và tuân thủ theo lịch tiêm sẽ đảm bảo cho con bạn được bảo vệ đúng lúc nhất.

TS.BS. Phạm Quang Thái

Xác định hen phế quản ở trẻ em thế nào?

Tiếp theo số 124

Những trẻ nào bị khò khè được chẩn đoán là hen?

Cần phải nghĩ đến hen nếu trẻ có bất kỳ một trong các dấu hiệu và triệu chứng sau:

Khò khè rõ nghe được bằng tai hoặc bằng ống nghe (tuy nhiên cũng cần lưu ý nếu nghe phổi bình thường cũng chưa thể loại trừ được hen);

Tiền sử có một trong các dấu hiệu sau: khò khè tái phát nhiều lần; ho, đặc biệt ho nhiều về đêm; khó thở tái phát nhiều lần; nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần.

Các triệu chứng trên thường xảy ra và nặng hơn về đêm và làm trẻ thức giấc hoặc khi: tiếp xúc với lông súc vật, tiếp xúc hoá chất, thay đổi thời tiết, tiếp xúc với bụi nhà, uống thuốc (aspirin, thuốc chẹn beta), gắng sức, chạy nhảy đùa nghịch nhiều, tiếp xúc với dị nguyên hô hấp như phấn hoa, nhiễm virut đường hô hấp, hít phải khói các loại như khói thuốc lá, bếp than, củi, dầu... Rối loạn cảm xúc mạnh như quá xúc động, quá buồn, quá vui...

Nếu trẻ có các biểu hiện dị ứng như chàm hoặc trong gia đình có người bị hen hoặc có các cơ địa dị ứng khác thì khả năng trẻ bị hen nhiều hơn.

Tuy nhiên, không có một xét nghiệm nào có ý nghĩa quyết định trong chẩn đoán hen ở trẻ em, do đó, người thầy thuốc lâm sàng cần thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, hỏi tiền sử và tập hợp các dữ liệu lâm sàng - xét nghiệm, kể cả việc điều trị thử nếu thấy cần thiết và theo dõi diễn biến của bệnh mới có thể chẩn đoán đúng bệnh trong những trường hợp khó.

Khám phát hiện hen phế quản cho trẻ. Ảnh: TM

Chẩn đoán phân biệt với bệnh nào?

Cần phải chẩn đoán phân biệt với một số nguyên nhân hiếm gặp cũng có thể gây ra khò khè tái phát ở trẻ nhỏ bao gồm: bệnh xơ nang (cystic fibrosis); hội chứng hít phải sữa tái phát; thiếu hụt miễn dịch tiên phát; tim bẩm sinh; các dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật ở các mạch máu lớn đè ép gây hẹp đường hô hấp đoạn trong lồng ngực; dị vật đường thở ở phế quản. Do đó, cần chụp Xquang lồng ngực và các xét nghiệm thăm dò khác để loại trừ các nguyên nhân này.

Một số lưu ý đặc biệt

Đối với trẻ còn bú, các chẩn đoán phân biệt khác cần đặt ra là: rối loạn miễn dịch; trào ngược dạ dày - thực quản; dị vật đường thở; mềm sụn khí phế quản; hẹp phế quản; tim bẩm sinh; bệnh xơ nang (cystic fibrosis); lao sơ nhiễm, hạch lao chèn ép vào phế quản.

Đối với trẻ nhỏ trước tuổi đi học cần lưu ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau: các đợt nhiễm virut đường hô hấp dưới rất thường gặp ở trẻ nhỏ; dị vật đường thở; luồng trào ngược dạ dày - thực quản; bệnh xơ nang (cystic fibrosis); Rối loạn miễn dịch; lao sơ nhiễm...

Đối với trẻ ở tuổi học đường cần phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác có thể gây ho dai dẳng và khò khè như: viêm xoang; rối loạn miễn dịch như thiếu hụt IgG có thể gặp ở trẻ nhỏ với các biểu hiện viêm tai giữa, viêm xoang và ho kéo dài; viêm mũi, dị dạng vách ngăn mũi gây chảy mũi sau cũng gây ho kéo dài; trào ngược dạ dày - thực quản...

Tóm lại, trẻ càng nhỏ thì càng có nhiều bệnh gây khò khè.

Trẻ nhỏ có khò khè tái phát nếu kèm theo các biểu hiện dị ứng khác và tiền sử gia đình có người bị hen thì thường có biểu hiện hen rõ rệt khi trẻ lớn.

PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng

Cách nào phòng ngừa hạ kali do thuốc lợi tiểu?

Mẹ tôi 67 tuổi, mắc bệnh tăng huyết áp, được bác sĩ cho dùng thuốc trong đó có thuốc lợi tiểu clorothiazid. Bác sĩ dặn khi dùng thuốc này có nguy cơ bị hạ kali máu. Xin hỏi quý báo, mẹ tôi cần làm gì để phòng ngừa tác dụng không mong muốn này?

Bùi Xuân Hùng (Thái Bình)

Clorothiazid là thuốc lợi tiểu thuộc nhóm thiazid. Vị trí tác động của thuốc này ở ống lượn xa nằm ở vỏ thận làm tăng bài tiết muối, do đó sẽ làm thải nước tiểu, được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp do hiệu quả hạ áp cao hơn các nhóm lợi tiểu khác. Khi dùng thuốc này có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim, trên da có thể xuất hiện mày đay, nhiễm cảm ánh sáng, nổi ban... Trong đó, tác dụng phụ thường gặp nhất là gây mất nhiều kali do tăng sự bài tiết kali vào trong nước tiểu. Tác dụng có hại này hay gặp ở người bệnh suy chức năng gan, suy tim nặng và người cao tuổi với các biểu hiện yếu cơ, đau, co rút cơ, bụng trướng, táo bón, nôn, buồn nôn, mạch yếu, tiếng tim nhỏ... Mức độ của tác dụng phụ này phụ thuộc vào liều lượng sử dụng nên nguy cơ tác dụng có hại có thể giảm bớt khi giảm liều. Do vậy, trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ lựa chọn liều thích hợp để vừa phát huy được tác dụng chống tăng huyết áp vừa giảm được nguy cơ mất quá mức kali, cũng giảm nguy cơ tăng acid uric máu và giảm nguy cơ tác dụng có hại trong chuyển hóa glucid. Bên cạnh đó, bạn vẫn nên khuyên mẹ sử dụng các thực phẩm và hoa quả có nồng độ kali cao như ngao, cá, khoai tây, chuối, cam, đào, mận... Nếu vẫn không yên tâm về chế độ ăn, bạn nên hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị để mẹ bạn được bổ sung kali đường uống, tránh nguy cơ hạ kali máu.

BS. Nguyễn Văn Liên

Gene ung thư có tính di truyền

gene ung thu

Các nhà khoa học đã kiểm tra 1,162 bệnh nhân bị mắc chứng ung thư hiếm gặp có tên là ung thư mô liên kết (sarcoma) và phân tích những chuỗi DNA của 72 gene có liên quan tới việc tăng nguy cơ ung thư trong cơ thể của những bệnh nhân này. Kết quả, hơn 1/2 người trong số này mang những biến thể gene được cho rằng làm tăng nguy cơ bị ung thư.

gene ung thu

Những biến thể di truyền có trong các gene liên quan tới ung thư vú, buồng trứng, ruột thường được tìm thấy ở bệnh nhân bị ung thư mô liên kết. Cứ 1/5 bệnh nhân trên mang biến thể hoặc lỗi gene ở hơn 1 trên các gene được kiểm tra. Những bệnh nhân có biến thể ở nhiều gene ung thư phức hợp có nguy cơ cao bị ung thư ở độ tuổi trẻ hơn những bệnh nhân chỉ có một biến thể gene đơn nhất.

gene ung thu

“Việc kiểm tra gene có thể dẫn tới việc chẩn đoán bệnh sớm và thêm điều trị hiệu quả đối với những khối u ung thư”, bà Sarah McDonald - Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư mô liên kết tại Anh nhận định.

H.Anh

((Theo BBC))

Coi chừng trẻ bị chốc lở trong mùa hè

Chốc lở là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây, hay gặp ở trẻ em. Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, nhất là quanh mũi và miệng của trẻ. Bện...